Qua đời Đặng_hoàng_hậu_(Hán_Hòa_Đế)

Tuyên bố hoàn chính

Năm Vĩnh Ninh thứ 2 (121), tháng 2, Đặng Thái hậu lâm bệnh, bà vẫn cố lâm triều, và một trong những đại sự cuối cùng bà làm được là lập Hoàng tử Lưu Bảo làm Hoàng thái tử. Khi ấy Thái hậu đã bệnh rất nặng, truyền ngồi kiệu lên trước đại điện, bà chợt thấy Thị trung, Thượng thư và các quan đến hướng Bắc cung nơi vừa tu sửa cung điện của Thái tử.

Sau đó, Đặng Thái hậu quay về tẩm điện, ban chiếu đại xá thiên hạ, thưởng cho các Viên Quý nhân cùng Cung nhân của Tiên Đế, lại ra chiếu chỉ:

朕以 无德,托母天下,而薄祐不天,早离大忧。延平之际,海内无主,元元厄运,危 于累卵。勤勤苦心,不敢以万乘为乐,上欲不欺天愧先帝,下不违人负宿心,诚 在济度百姓,以安刘氏。自谓感彻天地,当蒙福祚,而丧祸内外,伤痛不绝。顷 以废病沉滞,久不得侍祠,自力上原陵,加咳逆唾血,遂至不解。存亡大分,无 可奈何。公卿百官,其勉尽忠恪,以辅朝廷。

.

Trẫm vô đức mà phải lãnh vị mẫu nghi thiên hạ, mà cao thiên không trợ ta, thật khiến ta ưu sầu. Thời Diên Bình, trong nước vô chủ, bình dân vận rủi, quốc gia nguy với đại họa. Ta cần cù chăm chỉ, một mảnh khổ tâm, không dám lấy cơ nghiệp tổ tông làm trò đùa, trên không thẹn với sự phó thác của Tiên Đế, dưới không thẹn với khát vọng của dân sinh, ngày ngày thành tâm thành ý ở chỗ cứu tế an độ chúng sinh, làm yên ổn giang sơn họ Lưu.

Chính ta cảm thấy mình đã không phụ lòng phó thác, nhưng Hòa Đế rồi Thương Đế lẫn Tân Dã quân lần lượt qua đời, trong ngoài đều có tang, ta đau xót không dứt. Gần đây bệnh cũ trầm trọng, lâu nay không hầu từ đường tông miếu, tự thân lên tế Nguyên lăng, nhưng gặp chướng bệnh, đến nay thân thế không gắng gượng được nữa.

Sinh tử tồn vong, thọ mệnh đại nạn, là không thể nề hà. Công khanh quan lại trong triều, nên nỗ lực tận trung khác thận, phụ trợ triều đình cùng Hoàng đế.

— Chiếu thư lâm chung của Đặng Thái hậu

Ngày 13 tháng 3 (tức ngày 17 tháng 4 dương lịch) năm đó, Hoàng thái hậu Đặng thị băng hà, tại vị 20 năm, chung niên 41 tuổi, thụy hiệuHòa Hi hoàng hậu (和熹皇后). Ngày 26 tháng 3, hợp táng cùng Hán Hòa Đế vào Thuận lăng (顺陵)[39][40].

Gia tộc bị hại

Đặng Thái hậu mất khi Hán An Đế đã 28 tuổi, chính thức thân chính, phong Xa Kỵ tướng quân Đặng Chất làm Thượng Thái hầu (上蔡侯), thêm Đặc tiến. Các hoạn quan Giang Kinh (江京), Lý Nhuận (李閏) do mâu thuẫn gay gắt với nhà họ Đặng, đã đồng mưu với nhũ mẫu của Hán An Đế là Vương Thánh (王聖) nói xấu Đặng Thái hậu rất nhiều.

Không lâu sau khi Đặng Thái hậu qua đời, bọn họ sai khiến một cung tỳ từng bị Đặng Thái hậu trách phạt tố cáo các em trai của Xa Kỵ tướng quân Đặng Chất là Đặng Khôi, Đặng Hoằng, Đặng Xương cùng Thượng thư Đặng Phóng muốn phế bỏ An Đế mà lập Bình Nguyên vương Lưu Dực (刘翼) lên thay. Hán An Đế cực kỳ giận dữ, bèn ra lệnh hạch tội Đặng Khôi đại nghịch vô đạo, do đó đem Tây Bình hầu Đặng Quảng Đức, Diệp hầu Đặng Quảng Tông, Tây Hoa hầu Đặng Trung, Dương An hầu Đặng Trân cùng Đô Hương hầu Đặng Phủ Đức phế làm thứ dân. Đặng Chất bị miễn bãi Xa Kỵ tướng quân, bị bắt trở về đất phong. Tông tộc họ Đặng đều miễn quan về quê, bị tịch thu hết toàn bộ điền trang và của cải, còn Đặng Phóng cùng người nhà thì bị lưu đày đến biên quận. Bởi vì Thừa chỉ quận huyện ra sức bức bách, Đặng Quảng Tông cùng Đặng Trung sau đó tự vẫn. Riêng Đặng Chất bị giam ở đất phong, Hán An Đế cải phong làm "La hầu" (罗侯), liền tháng 5 thì tuyệt thực mà chết. Đường đệ của Đặng Chất là Hà Nam doãn Đặng Báo, Độ Liêu tướng quân Vũ Dương hầu Đặng Tuân cùng Đặng Sướng cũng theo đó mà tự sát. Riêng Đặng Quảng Đức do là thân thuộc của An Tư Diêm hoàng hậu nên được đặc xá[41][42].

Vụ việc xảy ra, Đại tư nông Chu Sủng (朱宠) bất bình cho Đặng Thái hậu cùng Đặng Chất, liền dâng sớ căn ngăn và minh oan[43], thế rồi bị Thượng thư Trần Trung (陈忠) vốn hiềm khích với họ Đặng buộc tội, Chu Sủng bị bãi miễn[44]. Bá tánh phần lớn đều minh oan cho Đặng Chất, Hán An Đế bị áp lực nên trách phạt toàn bộ quan viên đã hại chết những người nhà họ Đặng, sau đó chấp thuận đem thi thể của Đặng Chất cùng những người đã tự vẫn về an táng tử tế tại Mang Sơn. Sau đó, nhóm huynh đệ trong họ Đặng dần dần được tha về lại Lạc Dương, công khanh đều tham gia lễ tang Đặng Chất do Hán An Đế chủ trì[45].

Thời Hán Thuận Đế, thương cảm Đặng Thái hậu cùng Đặng Chất, nên tái thiết triều kiến được quy định dưới thời Đặng Thái hậu, lại cấc nhắc những tông thân của Đặng Chất được 12 đều làm Lang trung[46].